Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố Top 10 Công ty Du lịch, lữ hành uy tín năm 2018. Theo đó, Vietravel đã vượt trên Saigon Tourist dẫn đầu Top 10 Công ty Du lịch, lữ hành uy tín năm 2018. Các vị trí tiếp sau Saigon Tourist (thứ hai) là Fiditour (thứ ba), Dịch vụ du lịch Bến Thành (thứ Tư) và Hanoi Tourist (thứ Năm).
Năm công ty tiếp theo trong Top 10 Công ty Du lịch, lữ hành uy tín năm 2018 là những tên tuổi mới gồm: Công ty cổ phần du lịch Exotissimo Việt Nam, Công ty cổ phần du lịch Việt Nam – Hà Nội, Công ty cổ phần dịch vụ du lịch & thương mại TST, Công ty TNHH MTV du lịch Trâu Việt Nam và Công ty TNHH thương mại và du lịch Anex Việt Nam.
Top 10 Công ty Du lịch, lữ hành uy tín được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan. Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất (tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng vốn); Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng; Khảo sát khách du lịch và chuyên gia trong ngành; Khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 12/2018 về quy mô vốn, thị trường, lao động, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2019…
Trong những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam đều có sự tăng trưởng ổn định, bình quân tăng trên 15% cả về số lượng khách du lịch nội địa và khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2018 tiếp tục được đánh giá là một năm thành công của du lịch Việt Nam khi đón nhận khoảng 15,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 620.000 tỷ đồng. Về tốc độ tăng trưởng khách quốc tế, Việt Nam hiện đang ở mức rất cao (21%), trong khi Thái Lan, Singapore, Malaysia đều có dấu hiệu chững lại. Đây là cơ hội tốt cho du lịch Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các quốc gia mạnh về du lịch trong khu vực.
Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, Việt Nam hiện đứng hạng 67/136 nền kinh tế về năng lực cạnh tranh du lịch, xếp thứ 5 trong khối ASEAN. Trong số 14 chỉ số trụ cột, Tài nguyên tự nhiên (hạng 34) và Tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 30) của Việt Nam được đánh giá là tích cực nhất.
Các chuyên gia nhận định, ngành du lịch, lữ hành Việt Nam năm 2019 hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng khi Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới. Việc quảng bá hình ảnh quốc gia qua các hoạt động như xúc tiến du lịch, hội chợ ITB, WTM…, hay qua phim ảnh, cuộc thi hoa hậu, thể thao… được thực hiện rất tốt. Với xu thế phát triển mạnh mẽ về kinh tế cũng như thu nhập như hiện nay, du lịch Việt Nam có triển vọng phát triển hơn nữa, hướng tới hoàn thành trước hạn mục tiêu đến năm 2020 "thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp". Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, du lịch Việt Nam phải vượt qua 3 thách thức lớn nhất bao gồm: Khai thác tài nguyên du lịch chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; Chưa huy động được nguồn lực hỗ trợ phát triển du lịch; Cơ sở hạ tầng còn thiếu, giao thông chưa thuận tiện.